KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2023 SẼ DIỄN RA SỚM HƠN
Thông tin mới nhất về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã được đại diện Bộ GD-ĐT chia sẻ trong chương trình Tư vấn mùa thi lần thứ 25 của Báo Thanh Niên chính thức khai mạc, thu hút hàng ngàn thí sinh tham dự trong khuôn viên Trường ĐH Đồng Nai vào sáng qua (17.2).
Tham dự trực tiếp chương trình có hơn 7.000 học sinh từ các trường THPT ở Đồng Nai tham gia ngày khai mạc chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức.
Lưu ý phương thức xét tuyển sớm
Chia sẻ trong chương trình, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết kỳ tuyển sinh năm nay có sự ổn định lớn, tương đồng so với năm 2022. Quy chế tuyển sinh áp dụng với quy chế đã ban hành 2022. Tuy nhiên, một điểm mới của năm nay là lịch thi tốt nghiệp THPT sẽ được tổ chức sớm hơn, dự kiến vào tuần cuối của tháng 6.2023 (thay vì vào tháng 7 như các năm trước). Lý giải sự thay đổi này, bà Thủy cho biết 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lịch thi diễn ra vào tháng 7, nhưng năm nay cuộc sống đã quay trở lại bình thường nên lịch thi cũng tổ chức sớm hơn. Tương ứng với đó, lịch tuyển sinh của các trường cũng được đẩy lên sớm hơn để trong tháng 9 các trường có thể bắt đầu cho sinh viên nhập học và khai giảng.
"Kỳ thi tốt nghiệp THPT giữ ổn định cách thức tổ chức như năm 2022. Các bài thi giữ nguyên gồm bài thi độc lập và tổ hợp, nội dung cũng nằm trong chương trình giáo dục phổ thông", PGS-TS Thủy thông tin thêm.
Về việc xét tuyển, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu tuyển sinh sẽ triệt để hơn năm 2022. Học sinh sẽ thực hiện đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển và nhập trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ. Các trường xét tuyển sớm nhưng chỉ xét tuyển có điều kiện, việc xét tuyển chính thức sẽ thực hiện chung trên hệ thống của Bộ.
Về phương thức xét tuyển, bà Thu Thủy cho biết luật Giáo dục ĐH cho phép các trường có quyền xác định các phương thức khác nhau. Nhưng năm 2022 thống kê của Bộ cho thấy, nhiều trường có quá nhiều phương thức mà trong đó nhiều phương thức lạ lại không tuyển được thí sinh nào hoặc có tuyển chỉ rất ít so với chỉ tiêu cần tuyển. Do đó, Bộ khuyến cáo các trường hạn chế, không đưa ra quá nhiều phương thức gây nhầm lẫn thí sinh, không hiệu quả cho các trường.
"Khả năng năm nay số lượng phương thức tuyển sinh sẽ giảm xuống, thí sinh cần nghiên cứu kỹ các phương thức này ở trường mình muốn xét tuyển", bà Thủy lưu ý.
Vụ trưởng Thu Thủy cũng lưu ý, quy chế tuyển sinh ban hành năm 2022 nhưng có những điều khoản tới 2023 mới có hiệu lực. Ví dụ, đó là cách tính điểm ưu tiên khu vực, áp dụng cho năm học sinh đúng năm tốt nghiệp và năm liền kề liên tiếp. Nếu đạt được mức điểm 3 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 22,5 điểm trở lên (mức điểm giỏi), thì điểm ưu tiên khu vực sẽ giảm tuyến tính để đến 30 điểm thì học sinh không cần dùng đến điểm ưu tiên nữa. Điều này tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi cùng cạnh tranh vào các trường tốp đầu, bản thân các trường này cũng cần nguồn thí sinh thực sự chất lượng. Còn các thí sinh dưới mức điểm đó vẫn có những ưu tiên trong xét tuyển.
Đề thi năng lực khác đề thi tốt nghiệp THPT ra sao?
Chia sẻ thông tin thêm về kỳ thi đánh giá năng lực, TS Dương Tôn Thái Dương, Phó trưởng ban Đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết bài thi đánh giá năng lực năm nay giữ ổn định về cấu trúc 150 câu với 1.200 điểm và điểm mỗi câu sẽ khác nhau tùy theo độ khó dễ. Trong năm 2023, chỉ tiêu tuyển dự kiến mở rộng tới 45%, tương đương khoảng 10.000 thí sinh được tuyển vào ĐH này theo phương thức này trong tổng hơn 22.000 chỉ tiêu. Tuy nhiên, ngoài bài thi đánh giá năng lực, ĐH Quốc gia TP.HCM còn có các phương thức xét tuyển khác cho hơn 120 ngành đào tạo nhiều lĩnh vực.
Giải đáp câu hỏi sự khác nhau giữa đề thi đánh giá năng lực và đề thi tốt nghiệp THPT, TS Dương Tôn Thái Dương cho biết đề thi đánh giá năng lực cung cấp đầy đủ các thông tin, dữ kiện và yêu cầu thí sinh vận dụng để giải quyết các vấn đề đặt ra trong bài thi. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT tập trung nhiều vào đánh giá mức độ đạt ngưỡng kiến thức đạt được ở bậc THPT, trong khi bài thi đánh giá năng lực tập trung tìm kiếm các năng lực học ĐH của thí sinh.
Những ngành nghề nào xu hướng cho 5 - 6 năm tới ?
Cũng trong chương trình, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Công ty Groove Technology, chia sẻ những dự báo xu hướng lao động cho 5 - 6 năm tới. Theo bà Mai, những ngành học về khoa học tự nhiên sẽ giúp có được các công việc trong tương lai. Bên cạnh đó, những ngành chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử, kế toán kiểm toán vẫn tiếp tục có nhu cầu tăng đều. Các ngành khoa học xã hội như giáo viên, các ngành ngôn ngữ cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều. Riêng về công nghệ thông tin, bà Mai cho biết một xu hướng tuyển dụng đang rất mạnh từ năm 2022 mà chưa có dấu hiệu dừng lại là tuyển dụng các kỹ sư công nghệ thông tin cho chính doanh nghiệp của mình.
Em Nguyễn Dũng (học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh, Đồng Nai) băn khoăn sự liên quan giữa chọn ngành nghề và tính cách bản thân. Trong vai trò nhà tuyển dụng nhiều năm, bà Phương Mai cho rằng chọn ngành chọn nghề cần có sở thích và sở trường. Tuy nhiên, tính cách đôi khi không quá quan trọng với một số ngành nghề cụ thể. Vấn đề quan trọng là mình làm tốt nhất việc gì, thực tế môi trường doanh nghiệp hiện nay đang nuôi dưỡng sự đa dạng về tính cách, giới, độ tuổi…
Trong khi đó, một học sinh Trường THPT Ngô Quyền (Đồng Nai) băn khoăn: "Em muốn học thể dục thể thao nhưng ba mẹ muốn em học ngành kiến trúc. Làm sao để dung hòa sở thích cá nhân và nguyện vọng của bố mẹ?". Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc, giảng viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng việc thuyết phục ba mẹ là quan trọng để có giải pháp tốt nhất trong việc lựa chọn ngành nghề.
Nguồn: Báo Thanh Niên
Tin tức mới nhất
Nhập học liền tay