Ở tuổi 18, các bạn trẻ đứng trước ngưỡng cửa của những sự chọn lựa: chọn con đường mình sẽ tự lập, chọn đam mê mình sẽ theo đuổi, chọn cả cách mình trưởng thành… Không chỉ các bạn băn khoăn mà chính những bậc phụ huynh cũng nặng lòng trăn trở làm sao để định hướng và giúp đỡ con mở rộng cánh cửa tương lai tương sáng. Nỗi lòng này đã được một phụ huynh có con vừa nhập học Cao đẳng Anh Quốc BTEC – FPT Education chia sẻ trong bài viết dưới đây.
"Năm nay con 18 tuổi. Người ta gọi đó là tuổi của ước mơ. Mẹ biết, con có rất nhiều mơ ước. Nhưng, tuổi 18, còn ước mơ nào lớn hơn mơ ước tự do? Mẹ nhớ ai đó đã nói, rằng: người ta sinh ra để mang đôi cánh chứ không phải đeo gông xiềng, mang dây trói. Quả có thế! Có cánh diều nào không mơ trời rộng? Có con thuyền nào không khát biển xa? May thay, đó không chỉ là điều nên có mà còn là lẽ vốn có, đó không chỉ là khả năng mà còn là bản năng sinh tồn của nhân loại chúng ta.
Nhưng con biết không? Muốn tự do, con cần tự lập. Như bao người mẹ khác, mẹ mừng vui vô kể khi sự tự lập của con đến sớm hơn mẹ đợi: lọt lòng mẹ, con khóc oe oe đòi bú; 6 tháng, con nắm thìa vơ đũa đòi tự cầm khi ăn cùng cha mẹ; 9 tháng, con lần giường tự bước dẫu vấp ngã liên hồi và 1 năm, con nhoài xuống đòi tự đi khi cùng mẹ ra đường. Non nớt mà quyết liệt, tự nhiên và hồn nhiên, những hành động đó là sự tự lập sơ khai, chuẩn bị cho tự chủ lâu dài của cuộc đời con đó.
Nhưng, mẹ buồn và tiếc rằng, con càng vững vàng sức vóc thì sự tự lập của con càng mỏng manh đi: con nhịn đói chứ không tự mình vào bếp nếu mẹ chẳng may về muộn; con mặc quần áo nhăn nhúm nếu mẹ bận chưa kịp là; con ướt như chuột lột nếu sớm nay mẹ không nhắc con mang áo mưa khi thấy trời u ám; con nghỉ học khi không may xe hỏng; con nghỉ chơi với bạn khi chẳng may có sự xích mích, hiểu lầm … Và, bây giờ, trước ngưỡng cửa vào đời, con băn khoăn, lúng túng không biết chọn đường nào.
Mẹ không buồn vì con chưa giỏi, mẹ không sợ khi con nhút nhát, mẹ chỉ lo khi con không biết mình muốn gì, cần gì và phải tự đi đường nào. Sự rối lẫn của con hôm nay là bởi đâu? Ai tước đoạt tự do của con? Tạo hóa còn không thể huống chi thầy cô, cha mẹ, bạn bè? Chỉ là do con thiếu tự lập. Chỉ là con lầm tưởng tình yêu thương của cha mẹ là sự bao bọc như một lẽ tất nhiên. Chỉ do con không phân biệt được hạnh phúc được hưởng và trách nhiệm phải làm. Chỉ là con tự chối từ tự do của chính mình đó thôi. Không tự lập, con đừng mong có tự do. Không tự lập, con sẽ sống ra sao khi một mình con đi không có cha mẹ đồng hành? Rồi mai đây, đường xa vạn dặm, mẹ mỏi gối chồn chân, đâu có thể theo con để lo cho con từng bữa ăn, từng cái mặc, chọn giúp con những thứ con cần.
Gà rừng bước đi mười bước mới nhặt được một hạt thức ăn, đi một trăm bước mới kiếm được một ngụm nước uống. Nhưng chúng không mong được sống trong lồng. Tự biến mình thành gà rừng trong lồng nhưng khi giam mình giữa rất nhiều lớp lồng tự tạo, con lại vùng vẫy đòi tự do. Nhưng tự do của con là gì? Tự do của con là tự ý ăn những món khoái khẩu mà không lo độc hại; là thoải mái kết bạn trên mạng mà không sợ tốt – xấu, chính – tà; là tự ý biến những buổi tự học tối ở trường thành nơi hẹn hò vụng trộm; là tự chọn những bộ áo quần với độ chật và độ hở, với những chữ in trên áo mà đôi khi người hiểu biết phải xấu hổ quay đi; là tự làm mình già đi, giả đi với lớp phấn son lòe loẹt.
Tự do với con là tự coi phòng riêng như vùng bất khả xâm phạm để ở trong đó, con có thể thức trắng chơi game; vào “phây” chém gió; nói năng văng mạng để bị ném đá tơi bời; đăng nhập vào những trang web đen để tự vẩy mực đen lên màu tinh khôi áo trắng; bình luận ngây ngô trên những trang web phản động để phạm pháp hồn nhiên. Tự do với con là ngả ngớn vô tư trên bàn trong giờ học, là ngủ nghê thoải mái để trễ giờ thi.
Mẹ sợ con đang nhầm giữa tự do và buông thả; con đang ngộ nhận giữa ước muốn và ham muốn. Do đó, khi vùng trời tự do của con bị cha ngăn mẹ cấm thì con hoặc mặt nặng mày nhẹ, hoặc nói những lời vô cảm, hoặc tỏ ánh mắt vô tình, hoặc đóng mạnh cửa phòng hay bước đi sầm sập để đáp lời dạy bảo. Con nói rồi con quên nhưng mẹ thì không sao quên được; mắt con giận hờn nhìn mẹ rồi vô tư khép mí ngủ ngon lành nhưng mẹ thì không sao chợp mắt canh dài; con khóc vì không được tự do, mẹ khóc vì sự buông thả của con đã đẩy con xa vòng tay mẹ.
Mẹ biết, có thể con chưa hư. Con chỉ đang mất thăng bằng. Con mất thăng bằng do vẫy vùng đòi tự do phá tung giới hạn. Nhưng không chỉ mình con đâu, mẹ cũng đang phải cố gắng thăng bằng dẫu đang đi trên sợi dây, đang lo đến thắt lòng, để cho con thăng bằng trở lại. Nỗi niềm đó của mẹ, liệu con có cần hiểu không con? Trao đi tấm lòng mà nhận lại những lo âu, đau đớn, nếu là người dưng nước lã, có thể cả đời mẹ không cần giao lưu, không thèm nhìn mặt. Nhưng con là con, là máu thịt của mẹ nên bao lần, vết thương sưng tấy rồi lại nhanh chóng lên da non, đảm bảo cho mẹ có đủ sức đề kháng trước những hẹp hòi để giữ cho con vẹn nguyên tình mẹ. Đó là điều duy nhất, ngoại trừ tình mẫu tử, không có tình cảm nào có được, phải không con?
Như cánh chim trời, con muốn bay thì phải học cách bay; con thèm bầu trời thênh thang thì phải chịu nghe hướng gió; con thấy trời xanh mời gọi thì cũng phải biết có lốc, dông, bão tố đang chờ; con đòi tự do thì con phải tự lập đi thôi. Không thể khác! Mẹ nghe nói, mỗi chúng ta đều là thiên thần một cánh. Ta chỉ có thể bay khi có cánh thứ hai. Với các con, cánh thứ hai ấy là gì, nếu không phải là mẹ cha, là thầy cô, bạn bè, tri thức?
Mùa thi đến rồi, dẫu không còn sớm nhưng cũng chưa là muộn để con chắp thật chặt, thật bền cái cánh thứ hai; để con không phải là thiên thần gãy cánh vì đơn độc; để khi bay được cao rồi, con có thể thanh thản xin Thượng Đế, rằng: xin Người hãy bảo vệ những người bạn tốt của con, còn kẻ thù, con đủ sức đương đầu; xin Người hãy mang đến sự an lành cho những người thân của con, còn dông bão cuộc đời, con có thể vượt qua; xin Người ban ánh sáng cho những phận đời tăm tối, còn con không cần nữa, vì con đã có rồi; và, xin Người đừng khép cánh cửa quá khứ, còn hiện tại và tương lai, con có thể tự mở cửa bước vào, vì đó là giang sơn cuộc đời của con mà con là chúa tể. Đó là niềm mỏi mong tha thiết, cũng là lời chúc dành cho con trước lúc vào đời, con yêu của mẹ."
Phụ huynh sinh viên Cao đẳng Anh quốc BTEC – FPT Education
Theo Cóc Đọc
Cao đẳng Anh Quốc BTEC - FPT chỉ xét học bạ THPT, tuyển thẳng đối với thí sinh có điểm TB môn Toán lớp 12 từ 6.0 trở lên, ưu tiên điểm thi Đại học trên 10 điểm."
Do chương trình học hoàn toàn bằng Tiếng Anh, thí sinh chưa có chứng chỉ tiếng Anh theo yêu cầu sẽ phải tham dự kiểm tra đánh giá năng lực tiếng Anh do trường tổ chức. Toàn bộ thí sinh chưa đạt yêu cầu về đầu vào Tiếng Anh sẽ được tham gia chương trình Tiếng Anh dự bị, đảm bảo 100% sinh viên có thể học tập tại trường mà không lo trở ngại về giới hạn trình độ ngoại ngữ.
Vui lòng truy cập website https://btec.fpt.edu.vn/ để nhận ưu đãi "Học kỳ 0 đồng" trị giá 12.900.000 đồng và tặng Laptop 6.000.000 đồng ngay khi đăng ký nhập học.
BTEC HND (Business And Technology Education Council Higher National Diploma) là chương trình cao đẳng quốc gia theo tiêu chuẩn Anh, được thống nhất giảng dạy tại hầu hết các trường đại học, cao đẳng và chứng chỉ nghề được coi trọng tại Anh. Bằng BTEC HND được công nhận bởi các trường học, cao đẳng, đại học, các nhà tuyển dụng và các công ty chuyên nghiệp tai hơn 100 nước trên thế giới.