ĐỀ XUẤT THAY ĐỔI ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT MÔN TIẾNG ANH

Ngày 30/3 đến 31/3 hội thảo “Thách thức, cơ hội và xu hướng phát triển dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam” chính thức diễn ra tại Học viện Ngoại giao.
Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nguyễn Hữu Độ, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - Marc Knapper, Trưởng ban Đề án Ngoại ngữ quốc gia - TS. Nguyễn Thị Mai Hữu, Chủ tịch VietTESOL - GS.TS. Nguyễn Hòa, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao - Phạm Lan Dung cùng hơn 150 đại biểu đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, trường phổ thông, các giảng viên, giáo viên tiếng Anh, và tổ chức, doanh nghiệp…
TS. Nguyễn Thị Mai Hữu cho biết có 99% người học ngoại ngữ học tiếng Anh. Tuy nhiên, để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới môn tiếng Anh, từ nay đến năm 2025, cả nước đang thiếu khoảng 9.000 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, đặc biệt tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú trọng đào tạo giáo viên và phân công công tác về các địa phương đang bị thiếu hụt nhân lực. Chính phủ cần có hướng dẫn, kế hoạch triển khai các địa phương đặt hàng; các địa phương cần dự báo số lượng giáo viên thừa, thiếu, xây dựng kinh phí để đặt hàng đào tạo giáo viên phục vụ cho chính địa phương của mình.
Thêm vào đó, cũng có đề xuất cho rằng cần hỗ trợ giải quyết các vấn đề phân bổ nguồn lực giáo viên về địa phương, chẳng hạn giáo viên ở Hà Nội, TP HCM có thể giảng dạy cho các trường ở tỉnh thành khác, và cần có cơ chế để vận dụng công nghệ vào trường học.
Một đề xuất được quan tâm chính là không chú trọng vào giáo viên nước ngoài, thay vào đó là tập trung vào bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao trình độ, tiêu chuẩn của giáo viên Việt Nam. Ngoài ra, có đề xuất cần phải luân chuyển giáo viên giữa các trường ở thành thị và thiết lập các thiết bị dạy học truyền hình tại các địa phương khó khăn và cho học sinh tương tác qua mạng.
Đối với giáo viên bậc đại học, đề xuất chính sách khuyến khích giáo viên áp dụng công nghệ thông tin vào trong giảng dạy. Theo đó, giáo viên cần được nhân hệ số 0,2 khi dạy online, giống như trường hợp Trường Đại học Mở Hà Nội đã áp dụng.
Về công tác kiểm tra đánh giá, thi tốt nghiệp THPT hiện nay chưa phù hợp với xu hướng phát triển, chỉ cho các em thi bài thi dạng trắc nghiệm trong khi việc sử dụng ngoại ngữ phải đảm bảo đầy đủ cả 4 kỹ năng Nghe - Nói - Đọc - Viết.
Vì vậy, có đề xuất thay đổi hình thức thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ, đề thi cần đảm bảo bao gồm ít nhất 3 kỹ năng Nghe, Đọc, Viết bởi vì đề thi hiện tại chỉ đánh giá được các em từ vựng, ngữ pháp và kĩ năng Đọc. Việc thay đổi kiểm tra, đánh giá sẽ giúp giáo viên chủ động trong đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao trình độ của cả giáo viên và học sinh, không lãng phí nguồn nhân lực.
Theo báo Vietnamnet
Tin tức mới nhất
Nhập học liền tay